Giảm cân thế nào đây? |
Giảm cân nếu dư cân là điều cần thực hiện, càng sớm càng tốt, càng hiệu quả càng hay trước khi di chứng của nhiều căn bệnh thời đại như cao huyết áp, xơ vữa mạch máu, thoái hóa cột sống... chiếm thế thượng phong. Vấn đề là làm sao giảm cân được?
Nhiều người vì sợ mập, vì cần làm ốm nên sợ mỡ như sợ ma, né món ăn béo bở hơn né chủ nợ nhưng rồi chỉ toi công vì càng nhịn càng phí. Đáng tiếc vì người muốn giảm cân cho khỏe chưa được thông tin về một số điểm gút mắc khi muốn điều chỉnh rối loạn biến dưỡng chất béo để mỡ thừa đừng tấp vào thành bụng, thành mạch máu... Đó là:
- Nếu chỉ dựa vào chế độ ăn uống kiêng khem để mong giảm cân thì là một sai lầm nghiêm trọng, nhất là nếu chỉ theo đuổi các kiểu kiêng cữ qua quảng cáo, vì mục tiêu hầu như chắc chắn càng lúc càng xa tầm tay.
- Nếu chỉ thụ động trông mong vào các loại thuốc gia tốc tiến trình thoái biến chất béo thì càng tai hại hơn nữa, vì thuốc nào dùng sai đều có phản ứng phụ! Người chỉ dựa vào thuốc chắc chắn sẽ đi dần đến chỗ lạm dụng vì biện pháp dùng thuốc, dù thuốc hay cách mấy cũng chẳng khác nào chữa cháy cầm canh, nghĩa là không thể dùng ngắn hạn, cũng không thể chỉ dùng vài lần.
- Đừng quên khẩu phần càng thiếu mỡ thì lá gan càng nhanh tay tự tổng hợp chất béo. Hậu quả là không ăn nhưng vẫn chịu.
- Nên nhớ là thói quen thức khuya, ngồi quá lâu trước máy truyền hình, nếp sinh hoạt tẩm toàn stress, bệnh nội tiết không được điều trị đúng bài bản làm tăng cân hơn xa mỗi ngày đều có món ăn béo bở.
- Chỉ có thể giảm cân với hiệu quả lâu dài và an toàn khi người dư cân đừng thạo có hai phép tính nhân - chia để nhân số mg hoạt chất trong thực phẩm và chia calo từ khẩu phần. Trái lại, đối tượng của tình trạng dư cân phải thông thạo đến độ nhuần nhuyễn hai phép tính cộng - trừ để tính sao cho năng lượng tiêu thụ đừng thấp hơn năng lượng thu nhập. Muốn vậy người bị béo phì phải sắp xếp lại nếp sinh hoạt sao cho vẫn sống thoải mái nhưng không thừa năng lượng. Tiến trình giảm cân không thể bắt đầu từ nhà bếp hay tủ thuốc mà từ hiểu biết của nạn nhân với sự trợ giúp của thầy thuốc đừng viết chữ “kiêng cữ” quá đậm ngay đầu toa thuốc, thay vào đó là hai chữ “tri thức” bay bướm như thư pháp của cụ đồ mùa hoa đào nở rộ.
Trong mọi trường hợp, thiếu một chút năng lượng cuối ngày bao giờ cũng tốt hơn quá thừa vì đó là điều kiện để đánh thức sức đề kháng. Nếu đói đến đầu gối cũng bò thì sức kháng bệnh dễ gì không chịu chạy! Ngược lại, nếu đã no cơm nhiều ngày ắt khó tránh có lúc... rửng mỡ!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng