Ad

 
Saturday, August 23, 2014

6 điều cần hiểu biết đúng khi giảm cân

6-dieu-can-hieu-dung-khi-giam-can
Hiện nay, hiện tượng tăng cân, thừa cân, béo phì đang ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ của con người. Điều này đã dẫn đến nhu cầu về giảm cân gia tăng trong cộng đồng. Tuy nhiên, do vấn đề thời gian, bận rộn và nhất là thiếu hiểu biết về thừa cân, béo phì nên nhiều người đã sử dụng các biện pháp giảm cân thiếu tính khoa học, không những không giúp giảm cân mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Vậy thừa cân, béo phì là gì, vấn đề giảm cân có phức tạp và khó khăn hay không? Kiến thức giảm cân xin tiếp tục chia sẻ với bạn đọc về chủ đề giảm cân tại trang http://danhchonguoimuongiamcan.blogspot.com. Đây là trang tổng hợp các kiến thức và kinh nghiệm giảm cân đã mạng lại thành công và cả những thất bại trong thực tế để bạn đọc tham khảo. Mỗi người đều có một cơ chế tăng cân riêng, do cơ địa từng người quyết định, nhưng có điều phần lớn mọi người đều có hiện tượng tăng cân khi bước vào tuổi trung niên hoặc là phụ nữ sau sinh nở. Chú ý đọc kỹ các bài viết để tìm ra cho mình một giải pháp giảm cân hiệu quả nhé.

Cách để biết bạn có thừa cân hay không?
6-dieu-can-hieu-dung-khi-giam-canBéo phì có khả năng trở thành tác nhân gây tử vong số 1 ở Mỹ, cao hơn cả thuốc lá. Ở Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu gần đây thì thừa cân - béo phì là hiện tượng sức khỏe rất đáng quan tâm và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Tại các thành phố lớn, có tới hơn 10% học sinh tiểu học và người trưởng thành ở độ tuổi 30 - 60 bị căn bệnh này hành hạ. Vì béo phì liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý quan trọng nên người ta thường coi tỷ lệ béo phì là chóp của tảng băng các bệnh mạn tính không lây như bệnh tiểu đường típ 2 (khoảng 90% các trường hợp tiểu đường típ 2 ở phụ nữ là do béo phì) và một số bệnh về tim mạch sẽ nổi lên sau một thế hệ...
Một cách đơn giản, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng "nên có" so với chiều cao, còn béo phì là lượng mỡ tăng không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể. Để đánh giá mức độ béo phì, bạn có thể dễ dàng tính chỉ số khối cơ thêm BMI (Body Mass Index). BMI được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng để xác định tình trạng dư cân - béo phì và khả năng mắc bệnh như tiểu  đường, tim mạch, ung thư... nhiều hay ít. Bạn có thể tính BMI của chính mình nhờ công thức đơn giản sau đây:
BMI = Cân nặng (kg) / [Chiều cao (m) x Chiều cao (m)]
Thí dụ: cân nặng 60kg và cao 1,56m, thì BMI = 60(kg) / [1,56 (m) x 1,56 (m)] = 24,6.
Nếu BMI của bạn bằng hoặc lớn hơn 23, thì bạn đã bị thừa cân và nguy cơ mắc bệnh tăng hơn so với người có BMI bình thường. Nếu bạn có BMI từ 25 trở lên thì bạn đã được xem là béo phì và nguy cơ mắc bệnh như tiểu đường típ 2, cao huyết áp, bệnh tim, rối loạn lipid máu... cũng tăng cao hơn (xem bảng).
Phân loại thể trọng
Chỉ số BMI
cho các nước châu Á
Nguy cơ mắc bệnh
Gầy
<18,5
Tăng
Bình thường
18,5 - 22,9
Trung bình
Dư cân
23 - 24,9
Tăng
Béo phì
Từ 25 trở lên
Tăng cao
Ngoài ra, số đo vòng thắt lưng, thường không liên quan đến chiều cao, có liên quan chặt chẽ với chỉ số BMI cũng có giá trị để đánh giá sự phân bố của  mỡ. Bạn có thể sử dụng số đo này như một chỉ tiêu đơn giản để đánh giá khối mỡ bụng và mỡ toàn bộ cơ thể. Hiện chưa có "ngưỡng" quy ước đối với vòng thắt lưng (vòng eo) nhưng người ta thấy các nguy cơ tăng lên khi vòng eo trên 80cm đối với nữ, trên 90cm đối với nam.
Tuy nhiên để giảm cân hiệu quả và an toàn là một điều không phải dễ. Theo giáo sư Philipp James (chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm chống béo phì quốc tế WHO) và bác sĩ Nicholas Finer (thành viên của Lực lượng đặc nhiệm chống béo phì quốc tế), có một số nguyên nhân gây trở ngại hoặc thậm chí gây thất bại đối với người muốn giảm cân như sau:
Thiếu hiểu biết về béo phì
Là vấn đề rất phổ biến, có đến 90% trường hợp béo phì muốn giảm cân nhưng lại thiếu hiểu biết cơ bản về nguyên nhân và những hậu quả của béo phì.
6-dieu-can-hieu-dung-khi-giam-can
Để dễ hiểu người ta nói béo phì là do mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào (nhiều) và năng lượng tiêu hao (ít). Thế nhưng nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng này có nhiều yếu tố can dự vào như chế độ ăn hằng ngày, các hoạt động thể lực (liên quan với nghề nghiệp), các thói quen cá nhân (ăn vặt, ăn đêm, ít vận động) và khả năng tự kiểm soát bản thân.
Để giảm cân cần phải phối hợp nhiều biện pháp, tuân thủ đúng mức và đều đặn các biện pháp gồm điều chỉnh chế độ ăn, tăng cường vận động, thay đổi lối sống và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc khi cần. Cần phải khẳng định rằng nếu áp dụng kết hợp nhiều biện pháp sẽ giảm cân hữu hiệu hơn nhiều so với chỉ dùng đơn lẻ một biện pháp.
Thiếu sự hỗ trợ của giới chuyên môn
Tiêu chuẩn thành công của điều trị giảm cân:
- Giảm từ 5 - 6kg, hay 10% cân nặng ban đầu
- Duy trì được BMI < 23
- Giảm huyết áp
- Giảm đường huyết
- Giảm bớt mỡ máu
- Cải thiện triệu chứng
6-dieu-can-hieu-dung-khi-giam-canChúng ta đều biết đối với người béo phì, ăn kiêng và tăng cường vận động vốn là hai việc rất khó thực hiện (vì vậy mới bị béo phì). Với các khuyến cáo thiếu cụ thể về chế độ ăn dễ hướng người béo phì chọn cách ăn thiếu khoa học như nhịn ăn (sáng, trưa hoặc tối) không ăn mỡ nhưng ăn nhiều dầu, quan niệm rằng ăn bữa chính mới mập còn ăn vặt thì không sao, ăn kiêng khem thái quá... Ngoài ra, tăng cường vận động dễ bị hiểu là phải đi bơi, chạy bộ, đánh cầu lông, đến các trung tâm thể thao hoặc thẩm mỹ để tập trên các máy móc hiện đại trong khi có thể hướng dẫn cho người béo phì thực hiện những hoạt động thể lực đơn giản và phù hợp (theo tuổi; nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế...) như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, giữ lối sống năng động như tranh thủ đi bộ ở cự ly gần, tránh đi thang máy trong siêu thị, tập thể dục hàng ngày vào buổi sáng...
Người béo phì mong mỏi kết quả giảm cân phi thực tế
Đây là một vấn đề rất thường gặp. Chẳng hạn một người béo phì cân nặng 70kg mong muốn giảm 20kg trong vòng một vài tháng. Hơn thế nữa, họ lại không thích vận động hoặc thay đổi lối sống. Hoặc một phụ nữ béo phì ở tuổi 45 thích có được dáng thon thả của cô gái 25 tuổi. Mục đích của giảm cân chính là giảm khả năng mắc các bệnh liên quan và giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh này gây ra. Điều quan trọng giúp giảm cân thành công chính là đặt ra mục tiêu thực tế và có thể đạt được. Giảm cân vừa phải trong khoảng 5-10% cân nặng hiện tại theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (nghĩa là giảm được từ 3,0kg đến 6kg đối với người dư cân béo phì có cân nặng 60kg) đã giảm được 44% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và 20% nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan. Ngoài ra, giảm cân vừa phải còn giúp bình ổn đường huyết, cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu, giảm đau khớp, cải thiện huyết áp...
6-dieu-can-hieu-dung-khi-giam-can
Hiểu biết những điều cơ bản về giảm cân có thể giúp bạn có bước khởi đầu tốt, duy trì bền vững cân nặng ở mức hợp lý, giảm nguy cơ mắc bệnh và tăng chất lượng cuộc sống.
Thiếu sự động viên và bỏ cuộc
Để giảm cân đòi hỏi phải có lòng quyết tâm rất cao để vượt qua sự cám dỗ (như thức ăn ngon, các bữa tiệc vui hấp dẫn...) và sự nản lòng (khi chưa giảm cân, cảm giác bị ràng buộc, không có thiết bị luyện tập...). Cần có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ nhằm tìm hiểu những trở ngại để tư vấn kịp thời giúp người béo phì khắc phục, đặt mục tiêu tiếp theo và đưa ra cách thực hiện thích hợp, động viên người béo phì tự kiểm soát chế độ ăn và chương trình vận động của mình. Đặt mục tiêu có thể đạt được trong một thời gian cụ thể là cách tạo niềm tin cho người béo phì.
Thuốc không phải là yếu tố quyết định
Phần lớn người muốn giảm cân thường sai lầm khi cho rằng chỉ với một vài viên thuốc là có thể làm cân nặng giảm đi nhanh chóng. Khi được chỉ định điều trị bằng thuốc giảm cân, bạn đừng quên sử dụng thuốc đúng liều và đủ thời gian mới có kết quả. Tuy hiện nay trên thị trường đang lưu hành một số loại thuốc giảm cân khác nhau nhưng thực tế mới chỉ có hai loại thuốc, được WHO, Cục quản lý Thực- dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Lượng giá thuốc châu Âu (EMEA) công nhận dùng để điều trị béo phì dài hạn là sibutramine và orlistat.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể xem xét việc dùng thuốc giảm cân cho đối tượng dư cân béo phì có biểu hiện như sau:
1. Tăng cân do lúc nào cũng thấy đói hoặc ăn quá mức;
2. Có kèm bất dung nạp giucose, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp;
3. Đang có một số biến chứng của béo phì như: viêm đau khớp nhiều, chứng khó thở khi ngủ, viêm thực quản trào ngược;
4. Vòng eo lớn hơn 80cm ở nữ hoặc 90cm ở nam.
Như trên đã nêu, nguyên nhân của béo phì là do mất cân bằng về năng lượng (ăn vào nhiều và tiêu hao ít) và điều này chịu sự điều hòa của hệ thần kinh trung ương và nội tiết. Não bộ có 2 trung khu liên quan đến cảm giác no và cảm giác đói. Sự kích thích của trung khu đói sẽ làm cho người ta lúc nào cũng cảm thấy đói và thèm ăn, trong khi trung khu no có vai trò ức chế trung khu đói nhờ chất serotonine giúp ăn ít đi.
Dựa vào cơ chế này, Sibutramine (tên biệt dược là Reductil) làm mau no và tăng mức tiêu hao năng lượng. Sibutramine giúp người thừa cân béo phì tự kiềm chế được cảm giác thèm ăn của mình, do vậy thích hợp với người lúc nào cũng đói và thèm ăn. Ngoài ra, sibutramine còn có khả năng tác động lên các mô mỡ làm tăng phân hủy mỡ và do đó làm tăng mức tiêu hao năng lượng.
Muốn giảm cân, việc đầu tiên bạn cần làm là bỏ dần thói quen hút thuốc, uống rượu, ăn uống vô chừng, ít vận động và tăng hoạt động tay chân , nhất là duy trì tập thể dục thường xuyên để hình thành thói quen vận động tốt. Chương trình tư vấn toàn diện là rất cần thiết đối với người thừa cân - béo phì bao gồm cả chế độ ăn, vận động, thay đổi lối sống và điều trị nội khoa khi cần.
(Theo tiến sĩ LÊ BẠCH MAI Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Viện Dinh dưỡng quốc gia)




0 comments

Leave a Reply

 
kinh nghiệm giảm cân, giảm béo © 2011 Nguyễn Văn Phan